Mỗi một dân tộc tại Tây Bắc lại có một nét văn hóa độc đáo, mang cái hồn rất riêng, rất “lạ” so với người Kinh ở miền xuôi. Trong bài viết này, Rum Quán sẽ giới thiệu tới các bạn các tục lệ cưới hỏi của đồng bào sinh sống tại Tây Bắc. Cùng theo dõi các bạn nhé!
Tục lệ cưới hỏi của người Dao Đỏ
Nhắc tới các tục lệ cưới hỏi độc đáo của đồng bào dân tộc tại Tây Bắc không thể không nhắc tới tục kéo vợ của người Dao Đỏ. Khi những hạt mưa xuân lất phất bắt đầu rơi cũng là lúc các chàng trai bản người Dao Đỏ đi “kéo vợ”. Trai bản đi “kéo vợ” rầm rộ nhất từ Tết Âm lịch cho tới hết rằm tháng giêng vì đây là thời điểm không lo bị bắt vạ.
Nhưng không phải các chàng trai “ưng bụng” con gái nhà nào cũng được kéo về. Bởi, đa phần các cặp đôi đều đã có tìm hiểu, phải lòng nhau trước. Thực tế, tục “kéo vợ” chỉ là cái cớ báo cho mọi người trong bản để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng. Trai gái sẽ hẹn nhau trên một sườn đồi. Chàng trai sẽ tự mình kéo vợ hoặc nhờ một vài người bạn để giúp sức.
Theo quan niệm của người Dao Đỏ, trong lúc kéo, cô gái càng chống đối quyết liệt thì sau này gia đình càng đông con cái, thuận vợ, thuận chồng. Người thấy đám kéo sẽ loan tin cho cả bản biết, coi như thông báo đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Sau khi bị kéo về nhà chàng trai, cô gái được giữ lại 3 ngày dưới sự đối đãi như con cái trong nhà của cha mẹ chàng trai. Qua 3 ngày, cô gái sẽ về thông báo cho bố mẹ làm thủ tục cưới.
Tục lệ cưới hỏi của người Mông
Vỗ mông kén vợ là tục lệ cưới hỏi độc đáo của người Mông. Mùa xuân đến, nam thanh nữ tú ở khắp các bản làng thường tụ tập để chơi hội. Dân bản mời nhau chén rượu, chúc tụng nhau một năm mới gà lợn đầy nhà, thóc lúa đầy sân. Đây cũng là dịp trai gái gặp gỡ, tìm nhau qua điệu khèn, điệu nhạc. Nếu đã ưng chàng trai nào, cô gái sẽ e thẹn đưa mắt rồi tách khỏi đám đông chờ đợi. Nếu cũng có ý, chàng trai sẽ lập tức đi theo tiếng gọi mời của cô gái.
Chàng trai nhanh chóng tiếp cận và vỗ nhẹ vào môn cô gái trao lời ngọt ngào. Thiếu nữ Mông lúc này cũng thẹn thùng vỗ lại chàng trai, coi như lời ưng thuận. Đôi trai gái vừa đi vừa vỗ mông nhau cho đủ 9 cặp, tượng trưng cho việc đã chấp thuận nhau. Nếu hai bên chưa thực lòng ưng thuận nhau, chưa vỗ đủ 9 cặp thì sẽ hẹn nhau ngày hôm sau, gặp nhau tâm sự và vỗ tiếp cho đủ. Còn nếu không có cơ hội gặp nhau lần nữa, thì coi như đôi lứa không hợp duyên, bỏ lỡ nhau.
Tục lệ cưới hỏi của người Mường
Cạy cửa ngủ thăm là tục lệ hôn nhân của dân tộc Mường ở bản Mọc, xã Đồng Nghê (Hòa Bình). Các chàng trai trưởng thành trong bản đều nắm rõ nhà nào có con gái đến tuổi cập kê. Hàng đêm, các cô gái vừa độ trăng tròn sẽ đốt nến, mắc màn chờ trai bản đến ngủ thăm. Nếu đèn sáng có nghĩa là nhà cô gái chưa có ai vào ngủ thăm, chàng trai sẽ cạy cửa chui vào nhà. Khi ưng thuận, cô gái sẽ tự tay vặn nhỏ đèn, để các trai bản khác biết đã có người “ngủ thăm”. Trai gái chỉ được trò chuyện, tâm sự ở tư thế chung chăn, chung gối mà không được chạm vào người nhau khi ngủ thăm. Nếu sau vài đêm ngủ thăm tìm hiểu, cô gái đồng ý thì chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo sang nhà cô gái thưa chuyện.
Tục lệ cưới hỏi của người Thái
Sau khi gặp gỡ các chàng trai trên nương, trong các phiên chợ, nếu “ưng cái bụng” cô gái sẽ gợi ý bằng ánh mắt, để chàng trai đến chọc sàn. Chính vì lẽ đó, khi mùa vụ xong xuôi, thóc ngô đầy nhà, vào ban đêm, ở những nhà có con gái tuổi cập kê đều vang lên tiếng lộc cộc.
Xem thêm:
Khoảng 11 giờ đêm, khi mọi người đều đã ngủ hết, các chàng trai sẽ đem theo một số nhạc cụ như sáo, nhị, tính tẩu, đàn môi và một đoạn gỗ nhỏ dài đến nhà bạn gái. Họ sẽ thổi sáo, đánh đàn để bày tỏ tình yêu với cô gái. Khi tới gần sàn, chàng trai lấy một đoạn gỗ nhỏ chọc lên đúng chỗ nàng nằm. Nếu ưng thuận, cô gái sẽ ra mở cửa. Đôi tình lữ có thể ngồi trò chuyện trong nhà, hay ra ngoài sân, lên những thửa ruộng bậc thang.
Sau vài đêm chuyện trò, chàng trai thổ lộ chuyện muốn cưới cô gái về làm vợ. Nếu cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện và đưa bố mẹ đến hỏi cưới. Nếu nhà gái đồng ý, chàng trai sẽ phải ở rể nhà cô gái, trở thành một người trụ cột chính trong gia đình. Tùy theo thời gian nhà gái yêu cầu (thường từ 3 – 6 năm) chàng trai sẽ làm một lễ tạ ơn bố mẹ đã sinh ra người vợ cho mình và thêm một lần cưới nữa để đưa cô gái về nhà. Tuy nhiên, tục lệ cưới hỏi này của người Thái ở một số địa phương đang bị mai một dần.
Hi vọng qua bài viết này của Rum Quán, các bạn đã có được những thông tin, kiến thức bổ ích về tục lệ cưới hỏi của đồng bào sinh sống tại Tây Bắc. Tiếp tục theo dõi Rum để có được thêm nhiều thông tin hữu ích về văn hóa du lịch khác các bạn nhé!